Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Người cao tuổi mắc bệnh khớp nên tập luyện thế nào?

Chứng bệnh khớp thường gặp khi có tuổi

Thực ra đó là một loại bệnh mạn tính, thường phát sinh sau tuổi trung niên, phần nhiều ở các khớp cổ, eo lưng, hông, gối, cổ tay, cổ chân cùng các khớp ngón. Nổi bật nhất là ở cổ, eo lưng, khớp gối. Bệnh phát từ từ, lúc đầu chỉ thấy khớp nhức mỏi, rồi đau và cứng. Sau khởi động sẽ nhẹ đi, nhưng lúc vận động nhiều sẽ đau tăng, nghỉ ngơi lại đỡ. Đến giai đoạn nặng sẽ đau lặp đi lặp lại nhiều lần, hoạt động bị hạn chế, miễn cưỡng, đau nhức thật khó chịu. Chụp Xquang chỗ khớp đau có thể thấy các khoảng trống do xương thu hẹp lại, chất xương tăng sinh ở các khe khớp. Có trường hợp thấy các ly thể tách rời từ xương sụn mà ra. Mức tăng sinh của xương và chứng trạng đau của nó nhiều khi không khớp nhau. Có người tăng sinh xương rất rõ nhưng lại không thấy đau rõ rệt. Nhưng có người thì ngược lại. Đó là do lao động, sinh hoạt, tập luyện và mức độ thích ứng ở từng người khác nhau. Đây cũng là một căn bệnh dễ có nhiều hiểu lầm (được nhắc đến nhiều, chỉ bảo sai cũng lắm, thuốc vô hiệu không ít mà cách trị bệnh cũng vậy).

Nguyên nhân không quá phức tạp. Người tuổi càng cao, xương sụn trên mặt khớp thoái hóa dần, có nghĩa là mềm yếu, mỏng và tính đàn hồi kém đi. Đó là biến đổi sinh lý bình thường theo lứa tuổi, không ai có thể tránh được. Chỉ có khác ở chỗ sớm/muộn, nặng/nhẹ mà thôi. Có một số không nhỏ người cao tuổi kiên trì tập luyện, lao động thường ngày đều đặn và thích hợp mà bệnh nhẹ dần và ít tái phát, thậm chí không đau nữa. Nhờ vận động hợp lý mà các khớp trên trơn, linh hoạt hơn, các dây chằng vững, các cơ tránh bị teo mà thêm sức co duỗi và tính đàn hồi.

Người cao tuổi mắc bệnh khớp nên tập luyện thế nào?Tập luyện vừa sức, tốt cho sức khỏe người cao tuổi mắc bệnh xương khớp.

Người cao tuổi có bệnh về khớp cần tập luyện theo những nguyên tắc sau:

Sớm rèn luyện thể thao để dự phòng và hình thành thói quen tập luyện thường xuyên. Từ tuổi trung niên trở đi càng cần chú ý hoạt động các khớp cổ, eo lưng và chân tay. Cũng cần phòng chống béo phì vì thể trạng nặng sẽ tăng phụ tải cho khớp, làm bệnh dễ phát sinh hoặc nặng hơn. Tập sớm sẽ làm cho khớp sớm thích ứng, đến lúc cao tuổi có thể tránh hoặc giảm đau khớp.

Chọn môn, nội dung tập phù hợp với đặc điểm, bệnh tình của bản thân. Nên coi trọng vận động toàn diện như đi bộ, thể dục buổi sáng, múa thể dục, chơi cầu lông, bóng bàn, bơi, đi xe đạp… Ngoài ra, cũng chú trọng một số khớp trọng điểm dễ bị đau như đã kể trên.

Điều chỉnh lượng vận động thích hợp. Mỗi lần tập không nên quá nặng, mệt. Sau tập nên nghỉ ngơi đầy đủ. Không nên tập đến mức thở hồng hộc và khớp đau ê ẩm.

Không nên làm một số động tác tập trung quá nhiều vào một khớp nào đó. Tập thái cực quyền luôn phải khom gối và không nên dễ ma sát quá mức ở các khớp trên. Nếu tập vừa sức sẽ tạo được tác dụng ma sát vừa phải, cần thiết để tăng cường năng lực thích ứng của cơ thể. Có thể tập các động tác áp đùi, giãn hông, gập eo… để góp phần giữ gìn các khớp cùng tính linh hoạt của nó.

Khi khớp bị sưng đau, cần tạm ngừng tập. Có thể chườm nóng và nghỉ ngơi. Chờ khỏi, đỡ sưng đau hãy tập lại chỗ đó. Trong khi ấy vẫn nên tập luyện những bộ phận khác không bị đau, đừng nên nôn nóng.

Giải pháp phẫu thuật: Nếu tình trạng bệnh là có những mảnh vỡ di chuyển trong khớp gối gây cản trở, đau đớn khi vận động, có thể xem xét đến biện pháp phẫu thuật một cách thận trọng với bác sĩ chuyên khoa. Sau đó vẫn cần tham khảo và từ từ làm theo hướng dẫn của chuyên gia về các cách tập luyện phục hồi chức năng.

Thoái hóa và mắc các bệnh về khớp là không thể tránh được ở người cao tuổi. Nhưng như đã nói, cùng với chiều hướng thoái hóa đó còn có thể hình thành năng lực thích ứng. Dẫu có bệnh nhưng không thụ động, vẫn cho chỗ khớp đau được kích thích, tập luyện vừa phải, hợp với sức có thể giảm đau. Nếu không tập luyện, bệnh sẽ càng khó khăn hơn, còn có thể gây xốp xương, giòn xương.

PGS.TS. Nguyễn Toán

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Cách trị u nang màng nhện

Lê Thị Dung (ledung@gmail.com)

U nang màng nhện là một khối u trong não hoặc tủy sống, chứa đầy dịch não tủy. Là những tổn thương bẩm sinh xuất phát trong quá trình phát triển. U nang màng nhện thường là những u lành tính và chiếm khoảng 1% các tổn thương nội sọ. Triệu chứng của nang màng nhện phụ thuộc vào vị trí, kích thước của nang và thường có biểu hiện lâm sàng như: nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, thờ ơ; động kinh; tiến triển đột ngột xấu dần, dấu hiệu thần kinh khu trú do nang choán chỗ. Nếu nang màng nhện vùng trên yên có thể có thêm những triệu chứng về nội tiết, đầu lắc, giảm thị lực...

Cách trị u nang màng nhện

Về điều trị, với u nang màng nhện nhỏ và không có triệu chứng sẽ được điều trị bảo tồn. Nếu có triệu chứng lâm sàng xác định được nguyên nhân xuất phát từ nang hoặc nang quá lớn chèn ép nhiều vào cấu trúc não thì cần can thiệp phẫu thuật. Mục tiêu của điều trị phẫu thuật nang màng nhện là dẫn lưu dịch não tủy ra hệ thống tuần dịch não tủy. Một số phương pháp đang được áp dụng hiện nay là chọc hút nang bằng kim nhỏ, phẫu thuật mở thông nang vào các khoang chứa dịch não tủy bình thường, đạt shunt dẫn lưu vào khoang phúc mạc trong ổ bụng. Đương nhiên phẫu thuật có thể đi kèm với những nguy cơ do gây mê, nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng, do đó, cần phải được bác sĩ xem bệnh và cân nhắc. Trường hợp con bạn cần khám chuyên khoa thần kinh, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị cụ thể theo tình trạng bệnh.

BS. Vũ Ngọc Anh

Những điều cần biết về chỉ số khi đo huyết áp

Những con số có ý nghĩa gì?

Mọi người đều muốn có một mức huyết áp bình thường, khỏe mạnh. Nhưng, chính xác thì như thế nào là bình thường? Khi bạn được đo huyết áp, kết quả sẽ bao gồm hai con số, trông giống như một phân số, ví dụ như 120/80.

Số ở phía trên đại diện cho áp lực lên động mạch trong khi cơ tim co lại, hay còn gọi là huyết áp tâm thu. Con số phía dưới đại diện cho huyết áp của bạn khi cơ tim nghỉ giữa các lần co bóp, và được gọi là huyết áp tâm trương. Cả hai con số này đều quan trọng trong việc xác định tình trạng sức khỏe của trái tim bạn. Chỉ số này càng cao chứng tỏ tim bạn phải làm việc rất nhiều mới có thể bơm máu đi khắp cơ thể được.

Giới hạn bình thường là gì?

Trong giới hạn bình thường, thì con số ở trên (hay con số lớn hơn) phải ở trong khoảng từ 90 đến 120, và con số ở dưới (hay số nhỏ hơn) phải nằm trong khoảng từ 60 đến 80. Khi cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương của bạn ở trong giới hạn này thì huyết áp của bạn sẽ được coi là bình thường (theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ). Huyết áp được đo bằng đơn vị là milimet thủy ngân, viết tắt là mmHg. Bất cứ chỉ số huyết áp nào nằm trong khoảng dưới 120/80 mmHg và trên 90/60 mmHg sẽ được coi là bình thường. Huyết áp quá thấp sẽ không đủ để cung cấp đủ oxy và máu cho cơ thể và tim.

Nếu huyết áp của bạn ở trong giới hạn bình thường, bạn sẽ không cần phải can thiệp về mặt y tế. Tuy nhiên, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh và cân nặng hợp lý để dự phòng bệnh tăng huyết áp phát triển. Thường xuyên tập luyện thể thao và cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn có thể sẽ giúp ích cho bạn. Bạn sẽ cần phải thận trọng hơn trong các thói quen sống nếu bạn có tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp.

Tiền tăng huyết áp

Chỉ số huyết áp cao hơn 120/80 mmHg được coi là dấu hiệu cảnh báo để bạn chú ý hơn đến các thói quen tốt cho tim mạch. Khi huyết áp tâm thu (số lớn hơn) nằm trong khoảng 120 đến 139mmHg hoặc nếu huyết áp tâm trương (số nhỏ hơn) nằm trong khoảng từ 80 đến 89 mmHg thì có nghĩa là bạn đang ở giai đoạn tiền tăng huyết áp.

Mặc dù chỉ số này chưa thực sự cho thấy là bạn bị tăng huyết áp, nhưng, huyết áp của bạn đã không còn ở trong giới hạn bình thường nữa. Tăng huyết áp nhẹ có thể rất dễ phát triển thành tăng huyết áp thực sự và khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn.

Trong giai đoạn tiền tăng huyết áp, bạn chưa cần phải uống thuốc. Nhưng đây là lúc bạn nên thay đổi lối sống của mình. Có một chế độ ăn cân đối và thường xuyên luyện tập có thể làm giảm huyết áp của bạn về mức bình thường và cũng có thể ngăn chặn tiền tăng huyết áp phát triển thành tăng huyết áp thực sự.

Tăng huyết áp giai đoạn 1

Bạn sẽ được chẩn đoán là bị tăng huyết áp nếu huyết áp tâm thu của bạn đạt ngưỡng từ 140 đến 159mmHg hoặc nếu huyết áp tâm trương đạt ngưỡng từ 90 đến 99 mmHg. Đây được coi là tăng huyết áp giai đoạn 1.

Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Mỹ nhấn mạnh rằng, nếu chỉ có 1 chỉ số của bạn cao hơn thì bạn chưa thực sự bị tăng huyết áp. Chẩn đoán xác định tăng huyết áp chỉ được đưa ra nếu các chỉ só của bạn vẫn ở ngưỡng cao trong một khoảng thời gian dài.

Bác sỹ có thể giúp bạn đo và ghi lại huyết áp của rmình nếu huyết áp của bạn quá cao. Bạn có thể sẽ phải dùng thuốc nếu huyết áp của bạn không cải thiện sau 1 tháng thay đổi lối sống lành mạnh.

Tăng huyết áp giai đoạn 2

Tăng huyết áp giai đoạn 2 sẽ nguy hiểm hơn. Nếu huyết áp tâm thu của bạn cao hơn 160mmHg và huyết áp tâm trương cao hơn 100mmHg thì bạn sẽ được coi là đang trong giai đoạn 2 của bệnh tăng huyết áp.

Ở giai đoạn này, bác sỹ sẽ kê cho bạn một đến hai loại thuốc để kiểm soát huyết áp. Nhưng bạn không nên chỉ dựa vào thuốc để điều trị tăng huyết áp. Thói quen sống cũng là một phần rất quan trọng trong giai đoạn 2 của bệnh tăng huyết áp.

Một số loại thuốc có thể được phối hợp cùng với việc giữ lối sống lành mạnh bao gồm:

Thuốc ức chế ACE để thư giãn các mạch máuThuốc chẹn alpha để làm giảm sức cản của động mạchThuốc chẹn beta để làm giảm nhịp tim và thư giãn mạch máuThuốc chẹn kênh canxi để làm thư giãn mạch máu.Thuốc lợi tiểu để làm giảm lượng dịch trong cơ thể, bao gồm là dịch trong các mạch máu.

Ngưỡng nguy hiểm

Chỉ số huyết áp trên 180/100 mmHg được coi là vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Hiệp hội Tim mạch Mỹ gọi đây là một cuộc “khủng hoảng tăng huyết áp” (hypertensive crisis). Khi phát hiện huyết áp trong giới hạn này bạn cần được điều trị ngay lập tức kể cả không có các triệu chứng khác đi kèm.

Bạn nên được điều trị ngay lập tức nếu huyết áp của bạn ở giới hạn này và đi kèm với các triệu chứng như:

Đau ngựcKhó thởThay đổi thị lựcCác triệu chứng đột quỵ, như liệt hoặc mất kiểm soát cơ mặtCó máu trong nước tiểuChóng mặtĐau đầu

Tuy nhiên, đôi khi, chỉ số huyết áp cao sẽ xảy ra và sau đó sẽ lại quay trở về mức bình thường. Nếu bạn đo huyết áp và thấy chỉ số huyết áp của mình ở trong giới hạn nguy hiểm, thì lời khuyên của các bác sỹ là bạn nên ngồi nghỉ ngơi một chút, sau đó đo lại lần thứ hai. Nếu lần thứ hai, huyết áp của bạn vẫn cao như vậy thì chứng tỏ rằng, bạn cần được điều trị càng sớm càng tốt hoặc phụ thuộc vào việc, bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng kể trên hay không.

Biện pháp dự phòng

Bạn có huyết áp bình thường không có nghĩa là bạn có quyền tự mãn. Kể cả khi chỉ số huyết áp của bạn chứng minh bạn rất khỏe mạnh, thì bạn cũng nên thực hiện các biện pháp dự phòng để giữ huyết áp của mình luôn trong giới hạn bình thường. Việc này sẽ giúp bạn dự phòng được bệnh cao huyết áp phát triển hoặc các bệnh khác liên quan đến tim mạch.

Các biện pháp dự phòng dưới đây có thể sẽ giúp bạn làm giảm huyết áp hoặc tránh được tình trạng tăng huyết áp

Giảm lượng muối mà bạn tiêu thụ. Lý tưởng nhất, bạn không nên tiêu thụ quá 2300mg muối/ngày. Người trường thành đã bị tăng huyết áp nên hạn chế lượng muối tiêu thụ không quá 1500mg/ngàyKhông thêm muối vào thực phẩm. Việc này sẽ làm tăng lượng muối bạn tiêu thụ.Hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn, vì những loại thực phẩm này vừa chứa nhiều muối lại có giá trị dinh dưỡng rất thấpGiảm lượng caffein tiêu thụ. Bạn nên trao đổi với bác sỹ để xem liệu việc nhạy cảm với caffein có đóng vai trò gì trong việc làm tăng chỉ số huyết áp của bạn không.Luyện tập thường xuyên hơn. Mức độ thường xuyên chính là chìa khóa quan trọng trong việc duy trì chỉ số huyết áp ở ngưỡng bình thường. Việc mỗi ngày bạn luyện tập 30 phút sẽ tốt hơn là việc bạn luyện tập hàng giờ, nhưng chỉ luyện tập vào ngày cuối tuần.Duy trì cân nặng hợp lý, hoặc giảm cân nếu cần. Giảm khoảng 4-5kg sẽ tạo ra những khác biệt rất lớn trong chỉ số huyết áp của bạn.Kiểm soát mức độ stress. Luyện tập ở mức độ vừa phải, tập yoga hay thậm chí là ngồi thiền 10 phút có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳngGiảm lượng đồ uống có cồn. Phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bạn, bạn thậm chí sẽ phải cai hẳn đồ uống có cồn.Cai thuốc lá

Khi bạn lớn tuổi hơn, việc dự phòng sẽ trở nên quan trọng hơn. Huyết áp tâm thu sẽ có xu hướng tăng lên khi bạn trên 50 tuổi, theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ. Một số vấn đề về sức khỏe, ví dụ như tiểu đường, cũng đóng một vai trò nhất định. Trao đổi với bác sỹ về việc làm thế nào bạn có thể kiểm soát sức khỏe nói chung để dự phòng bệnh tăng huyết áp.

Kết luận

Giữ huyết áp ở mức ổn định là vô cùng quan trọng trong việc dự phòng các biến chứng, ví dụ như bệnh tim mạch và đột quỵ. Sự phối hợp giữa việc duy trì lối sống lành mạch và dùng thuốc có thể sẽ làm giảm huyết áp của bạn. Giảm cân cũng rât cần thiết để giữ chỉ số huyết áp ở mức bình thường.

Nhưng bạn nên nhớ rằng, chỉ số huyết áp ở một thời điểm không thực sự có thể phân loại được tình trạng sức khỏe của bạn. Đo huyết áp thường xuyên sẽ đem lại kết quả chính xác hơn. Đó là lý do vì sao bạn nên đo huyết áp ít nhất 1 năm 1 lần, được thực hiện bởi nhân viên y tế, hoặc đo thường xuyên hơn, nếu chỉ số huyết áp của bạn cao.

TS.BS. Trương Hồng Sơn - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Trí thông minh lúc nhỏ liên quan tới tuổi thọ

Đây là nghiên cứu lớn nhất cho đến nay báo cáo nguyên nhân gây tử vong ở nam giới và phụ nữ trong suốt cuộc đời và những phát hiện này chỉ ra rằng lối sống, đặc biệt là thói quen hút thuốc lá là một thành phần quan trọng trong ảnh hưởng của trí thông minh, sự khác biệt về tỷ lệ tử vong.

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng trung bình, những người có chỉ số IQ cao hơn có xu hướng sống lâu hơn những người có chỉ số IQ thấp hơn nhưng những kết luận này phần lớn dựa trên dữ liệu từ những người tham gia là nam giới và ở độ tuổi trung niên.

Trong nghiên cứu này, một nhóm các nhà nghiên cứu từ ĐH Edinburgh đã tìm hiểu mối liên quan giữa điểm số kiểm tra trí thông minh được đánh giá lúc 11 tuổi và nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và phụ nữ tới 79 tuổi.

Những phát hiện này được dựa trên dữ liệu từ 33.536 nam và 32.229 nữ sinh ra ở Scotland năm 1936, những người này đã thực hiện bài kiểm tra trí thông minh lúc 11 tuổi và những người này có thể được liên kết với dữ liệu nguyên nhân gây tử vong.

Nguyên nhân gây tử vong bao gồm bệnh tim mạch, đột quỵ, các loại ung thư, bệnh hô hấp, bệnh tiêu hóa, nguyên nhân bên ngoài (bao gồm tự tử và tử vong do chấn thương) và sa sút trí tuệ.

Sau khi tính đến một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả, như tuổi, giới tính và tình trạng kinh tế xã hội, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng chỉ số thông minh khi nhỏ cao hơn có liên quan tới giảm nguy cơ tử vong cho đến tuổi 79.

Ví dụ, điểm số kiểm tra cao hơn có liên quan tới giảm 28% nguy cơ tử vong vì bệnh hô hấp, giảm 25% nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch và giảm 24% nguy cơ tử vong vì đột quỵ.

Các mối liên quan đáng chú ý khác đã được quan sát thấy là giảm nguy cơ tử vong do thương tích, ung thư liên quan đến hút thuốc (đặc biệt là phổi và dạ dày), bệnh tiêu hoá và chứng sa sút trí tuệ. Không có mối liên quan rõ ràng giữa trí thông minh lúc nhỏ và tử vong do ung thư không liên quan đến hút thuốc.

BS Thu Vân

(Theo Sciencedaily)

Phòng viêm da tiếp xúc côn trùng

Lê Thu Hiếu (Nam Định)

Phòng viêm da tiếp xúc côn trùng

Những nốt mẩn đỏ, ngứa và rát là biểu hiện của bệnh viêm da do côn trùng. Bệnh này thường xuất hiện vào thời điểm chuyển từ mùa hè sang mùa thu (khoảng tháng 7 đến tháng 10 hằng năm). Kẻ gây bệnh là côn trùng cánh cứng, có phấn và dịch gây cháy bỏng da như kiến, sâu ban miêu, con giời...

Khi tiếp xúc với côn trùng, người bệnh thấy ngứa, rát bỏng tại chỗ. Sau 6-12 giờ sẽ xuất hiện các vết đỏ, kích thước từ 1-5cm, rộng 3-4mm. Từ 1-3 ngày sau xuất hiện mụn nước trên nền da đỏ, lấm tấm bọng nước và bọng mủ. Lúc này, người bệnh có cảm giác đau, kèm theo sốt, mệt mỏi, khó chịu, nổi hạch, đau ở vựng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương, đi lại khó khăn. Nếu tổn thương ở vùng gần mắt có thể làm sưng húp cả hai mắt, 5-7 ngày sau mới hết. Việc điều trị bệnh hiện nay không khó, nhưng lại rất cần thận trọng.

Nếu chỉ có vết đỏ, chỉ cần dùng nước muối loãng 0,9% hoặc nước vôi loãng chấm ngày 3-4 lần, tránh rửa nước nhiều, tránh kỳ cọ làm trượt da tróc vảy. Nếu đau rát nhiều có thể dùng dung dịch yarish, dalibua, kháng sinh, các loại hồ làm dịu da như hồ nước, hồ tetra-pred từ 4-6 ngày là khỏi. Nếu tổn thương nhiễm trùng hóa mủ, sốt, có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân... bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa da liễu. Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê kháng sinh kết hợp với kháng histamin tổng hợp và corticoid nhẹ để uống.

Tuyệt đối không được sử dụng phương pháp chữa dân gian như nhai gạo nếp, đỗ xanh đắp lên vết đau, có thể gây nhiễm trùng nặng. Để phòng bệnh, vào thời điểm giao mùa, các gia đình nên đóng cửa sổ vào buổi tối hoặc sử dụng lưới để ngăn côn trùng không bay vào nhà.

BS. Vũ Thu Dung

Muốn khỏe và sống lâu, hãy cầu nguyện

Cầu nguyện, đọc kinh là điều người Mỹ tin làm hàng ngày

Ngoài việc thường xuyên tập thể dục, ăn thực phẩm lành mạnh, sạch và thô (ít chế biến), không uống rượu nhiều, không hút thuốc lá… thì người Mỹ còn thường xuyên cầu nguyện và đọc kinh để giúp có sức khỏe tốt nhất và tuổi thọ cao. Điều này đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng: cầu nguyện và thiền định thường xuyên sẽ mang lại lợi ích rất tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất.

Thường xuyên cầu nguyện giúp con người khỏe và sống lâu

Dĩ nhiên là ở các nước theo Đạo Phật, việc tụng kinh niệm phật cũng có tác dụng tốt như vậy.

Tụng kinh niệm phật cũng giúp chúng ta sống khỏe và trường thọ

Mỹ là đất nước có công nghệ hiện đại hơn người, nhưng người dân Mỹ chẳng ngại ngần gì khi thổ lộ niềm tin vào Chúa. Thông điệp “IN GOD WE TRUST” (Tạm dịch: Chúng con tin vào Thiên Chúa” hiện hữu khắp nơi. Các đời tổng thống đều phải tuyên thệ trước Kinh Thánh khi lên nhậm chức.

Nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy: Cầu nguyện là giải pháp điều trị thay thế phổ biến nhất ở xã hội Mỹ ngày nay. Nghiên cứu của Đại học Rochester cho hay: hơn 85% những người mắc bệnh nặng đã cầu nguyện, tỉ lệ này cao hơn nhiều so với việc dùng thảo mộc hoặc theo đuổi phương thức chữa bệnh phi truyền thống khác.

Các chỉ số sức khỏe tốt lên nhờ cầu nguyện

Dù là bạn cầu nguyện cho chính mình hay cho người khác, để chữa lành bệnh hay vì hòa bình trên thế giới, hoặc đơn giản là ngồi thiền tĩnh tâm… thì tác động tốt đến sức khỏe đều tương tự. Các phương pháp tinh thần này có tác dụng làm giảm bớt mức độ căng thẳng (stress), vốn là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh cho con người. Mặt khác các phương pháp này là công cụ tốt giúp con người có cái nhìn tích cực, vượt qua những thử thách khó khăn trong cuộc sống.

Ngồi thiền tĩnh tâm cũng giúp khỏe mạnh và sống lâu

Tiến sĩ Herbert Benson, chuyên gia tim mạch tại Trường Y Harvard và một người tiên phong trong lĩnh vực y học tâm – thân, đã phát hiện điều gọi là “phản ứng thư giãn” xảy ra trong thời gian cầu nguyện và thiền định. Ở trạng thái này, sự trao đổi chất của cơ thể giảm xuống, nhịp tim chậm, huyết áp giảm xuống, và hơi thở của chúng ta trở nên bình ổn và đều đặn hơn. Trạng thái sinh lý này đi cùng với hiện tượng sóng não chậm hơn, và cảm giác kiểm soát sự tỉnh táo yên tĩnh và yên tâm. Theo TS Benson : điều này có ý nghĩa quan trọng vì có hơn một nửa những người đến khám bác sĩ ở Mỹ ngày nay có vấn đề bệnh tật, như trầm cảm, tăng huyết áp, viêm loét, đau nửa đầu… gây ra bởi căng thẳng và lo lắng.

Tiến sĩ Andrew Newberg, Giám đốc Trung tâm cho Tâm linh và Tâm học tại Đại học Pennsylvania đã tiến hành một nghiên cứu về thiền định và cầu nguyện, cho thấy: ở trạng thái thiền định và cầu nguyện, cơ thể đều giảm hoạt động trong não, làm tăng nồng độ chất dopamine, là chất gắn liền với trạng thái hạnh phúc và niềm vui…

Cầu nguyện các đấng linh thiêng mới tốt cho sức khỏe

Tiến sĩ Ken Pargement của Đại học Bowling Green thực nghiệm như sau: hướng dẫn một nhóm người bị chứng đau nửa đầu ngồi thiền 20 phút mỗi ngày và lặp đi lặp lại lời cầu nguyện như: “Thiên Chúa là tốt. Thiên Chúa là hòa bình. Thiên Chúa là tình yêu“. Trong khi các nhóm khác sử dụng một câu không có ý nghĩa tâm linh, như: “Cỏ là màu xanh lá cây. Cát mềm.” Kết quả là những người thiền định và cầu nguyện ở nhóm 1 ít bị đau đầu hơn và chịu được các cơn đau tốt hơn so với các nhóm còn lại.

Một nghiên cứu được tài trợ bởi National Institutes of Health cho biết: nhóm những người cầu nguyện hàng ngày ít bị tăng huyết áp hơn đến 40% so với những người không cầu nguyện thường xuyên. Còn nghiên cứu của Trường Đại học Y Dartmouth cho thấy: những bệnh nhân phẫu thuật tim có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ thì khả năng phục hồi hơn hẳn so với những người ít liên hệ tới tôn giáo. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy những người thường xuyên cầu nguyện cải thiện hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc (hoặc mức độ nghiêm trọng) nhiều bệnh, và sống thọ hơn người không cầu nguyện.

Thiền và cầu nguyện ảnh hưởng đến gen

Một câu hỏi đặt ra là: cầu nguyện tác động lên sức khỏe thông qua cơ chế nào?

Nghiên cứu gần đây nhất của TS. Herbert Benson cho rằng: thực hành tâm linh hàng ngày lâu dài giúp vô hoạt các gen kích hoạt viêm và làm chết tế bào. Như vậy tâm linh, tinh thần có thể tác động để sự hoạt hóa các gen trong cơ thể chúng ta và cầu nguyện có thể ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể ở cấp cơ bản và quan trọng nhất.

Cầu nguyện và ngồi thiền có tác dụng kích hoạt đến hoạt động của gen

Theo các nhà nghiên cứu thì không thể nói là cầu nguyện có thể thay thế cho các biện pháp điều trị y tế hiện đại, nhất là khi đang trong tình trạng cấp cứu (đó cũng không phải mục đích nguyên thủy hay xuất phát điểm của cầu nguyện).

Thực tế, cũng có một số người phản bác tác dụng của cầu nguyện. Nhưng các nhà khoa học hiện đại vẫn khẳng định: đây là các kết quả chân thực, các con số đã thống kê được về lợi ích sức khỏe khi người ta chân thành cầu nguyện hay tĩnh tâm thiền định.

BS. Ninh Hồng

(Theo Huffington Post)

Những nguyên nhân gây sưng mí mắt

Mắt bị sưng có thể đau hoặc không đau và có thể ảnh hưởng tới cả mí mắt trên và dưới. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp gây sưng mí mắt.

1. Dị ứng

Nếu mí mắt sưng lên kèm theo ngứa, đỏ, điều này có thể do dị ứng mắt. Bụi, phấn hoa và các chất gây dị ứng khác có thể kích thích mắt, do vậy gây phản ứng dị ứng. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến mí mắt sưng lên.

2. Kiệt sức

Kiệt sức hoặc mệt mỏi có thể khiến mí mắt trở nên sưng. Sự giữ nước xuất hiện qua đêm có thể cũng ảnh hưởng đến mí mắt. Điều này có thể khiến mí mắt bị sưng vào sáng hôm sau.

3. Khóc

Khóc có thể phá vỡ các mạch máu nhỏ trong mắt và mí mắt, đặc biệt nếu bạn khóc hàng giờ.

4. Mỹ phẩm

Khi các sản phẩm mỹ phẩm rơi vào mắt, nó có thể gây dị ứng trong mắt và các mô xung quanh làm mí mắt sưng lên.

5. Viêm tế bào ổ mắt

Đây là một nhiễm trùng xảy ra sâu trong mô của mí mắt. Tình trạng này có thể lây lan khá nhanh và cũng có thể gây đau. Những vi khuẩn trong các vết cắt nhỏ cũng đủ để gây ra tình trạng này.

6. Bệnh Grave

Đây là một rối loạn nội tiết gây ra tình trạng tuyến giáp quá hoạt. Tình trạng này cũng có thể khiến tuyến giáp giải phóng các tế bào để chống lại nhiễm trùng trong mắt. Các kháng thể được giải phóng trong quá trình này có thể gây sưng và viêm trong mắt.

7. Mụn rộp mắt

Đây là loại nhiễm trùng mụn rộp có thể xảy ra trong và xung quanh mắt. Tình trạng này phổ biến nhất là ở trẻ em. Mụn rộp mắt có thể trông giống như đau mắt đỏ nhưng không phải lúc nào cũng gây ra những tổn thương rõ rệt.

8. Viêm bờ mi

Các vi khuẩn có mặt trong và xung quanh mí mắt có thể gây viêm bờ mi. Những người bị tình trạng này mí mắt có thể có dầu.

9. Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ hay còn được gọi là viêm kết mạc. Đây là tình trạng mô mỏng và rõ lằm ở mí mắt và nhãn cầu. Chườm ấm có thể cũng giúp giảm đau gây ra bởi viêm kết mạc.

BS Thu Vân

(Theo Univadis/ Boldsky)

Người cao tuổi mắc bệnh khớp nên tập luyện thế nào?

Chứng bệnh khớp thường gặp khi có tuổi Thực ra đó là một loại bệnh mạn tính, thường phát sinh sau tuổi trung niên, phần nhiều ở các khớp cổ,...